Thời gian: ngày 27 tháng 11 năm 2016

Địa điểm: Mukogaoka Academy, Bunkyo-ku, Tokyo

Chủ đề: Giới thiệu giải Nobel 2016

Đơn vị tổ chức: Vietnam Academic Network in Japan (VANJ) phối hợp cùng Rakukai Tokyo

Số lượng người tham gia: 42 người.

Các đề tài phát biểu:

1. Giới thiệu nghiên cứu đạt giải Nobel Vật lý 2016

Nhóm tác giả: Dr. Lê Đức Anh (Tokyo Univ.), Dr. Nguyễn Thanh Phúc (RIKEN), Dr. Phạm Nam Hải (Associate Professor, Tokyo Institute of Technology)

2. Giới thiệu nghiên cứu đạt giải Nobel Kinh tế 2016

Nhóm tác giả: Dr. Đoàn Thị Thanh Hà (Viện nghiên cứu Ngân hàng phát triển châu Á), Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Yokohama National Univ.)

3. Giới thiệu nghiên cứu đạt giải Nobel Y-Sinh 2016

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Kim Nguyền (Tsukuba Univ.), Bác sỹ Bùi Quốc Thắng (Tsukuba Univ.)


Nội dung tổng hợp chi tiết:

Hội thảo chuyên đề (Rakukai học thuật) về các giải Nobel 2016 trong lĩnh vực Vật Lý, Y Sinh và Kinh Tế đã diễn ra thành công ngày 27 tháng 11 năm 2016. Hội thảo được tổ chức bởi Cộng đồng học thuật người Việt tại Nhật Bản (VANJ) và hội Rakukai.

Nobel là giải thưởng cao quý trong lĩnh vực học thuật nhằm tôn vinh các nghiên cứu/tác phẩm có giá trị lớn cho sự phát triển của nhân loại. Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về giải Nobel, cũng như trao đổi chuyên sâu cho các thành viên trong hội, VANJ, kết hợp với Rakukai, tổ chức hội thảo chuyên đề tìm hiểu về 3 trong 6 giải thưởng của Nobel 2016, bao gồm Vật Lý, Y Sinh và Kinh Tế. Buổi hội thảo đã thu hút được 42 thành viên từ Rakukai và VANJ (30 nam, 12 nữ), nhận được những ý kiến tích cực từ phía khán giả. Các bài phát biểu được đánh giá dễ hiểu ngay cả với những người không làm khoa học, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về nội dung các giải Nobel; đồng thời vẫn có những kiến thức chuyên sâu, gợi các tranh luận sôi nổi từ những người làm khoa học. Các báo cáo viên cũng được nhận xét đã đầu tư kỹ lưỡng cho bài báo cáo, có kiến thức chuyên sâu và phát biểu hấp dẫn. Và hơn hết, hội thảo cung cấp nơi giao lưu cho những người Việt làm nghiên cứu khoa học tại Nhật có cơ hội gặp gỡ nhau, qua đó trao đổi ý kiến chuyên ngành và tiếp thêm động lực làm việc giữa các thành viên. Nội dung các bài phát biểu được tóm tắt dưới đây.

Mở đầu hội thảo là bài phát biểu về Nobel Vật Lý 2016 của tiến sĩ Nguyễn Thanh Phúc (nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Riken về các hiện tượng vật chất mới) và phó giáo sư Phạm Nam Hải (Khoa vật lý điện tử, Học viện công nghệ Tokyo). Giải Nobel vật lý năm nay được trao cho ba nhà khoa học: David Thouless (Đại học Washington), Duncan Haldane (Đại học Princeton) và Michael Kosterlitz (Đại học Brown) về “những phát minh lý thuyết về sự dịch chuyển các trạng thái tô pô và các trạng thái tô pô của vật chất” (trích thông báo của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển). Tô pô (Topo), vốn là một chuyên ngành toán học nghiên cứu các tính chất không thay đổi của vật thể khi bị biến dạng một cách liên tục, được áp dụng lần đầu trong việc dự đoán các tính chất của vật chất, bao gồm các đặc tính về siêu dẫn hoặc siêu chảy (Kosterlitz & Thouless, 1972) hay tính lương tử hóa của hiệu ứng Hall trong các màng mỏng hai chiều (Thouless, 1982 và Haldane, 1983). Việc phát hiện ra các tính chất của vật chất được bảo toàn dựa vào các đặc tính tô pô đã mở toang đường biên giới của vật lý chất rắn, trước đó được định nghĩa thông qua một trong bốn pha của vật chất: rắn, lỏng, khí, và plasma.

TS. Nguyễn Thanh Phúc
TS. Nguyễn Thanh Phúc

Trong bài phát biểu, anh Nguyễn Thanh Phúc giới thiệu những hiểu biết cơ bản về lý thuyết tô pô áp dụng trong vật lý chất rắn, để từ đó có được câu trả lời: trạng thái Tô pô của vật chất là gì? Trong khi đó, anh Phạm Nam Hải trình bày về ý nghĩa của trạng thái Tô pô từ góc nhìn ứng dụng, thông qua các vật chất Tô pô mới cũng như các hiện tượng mới được quan sát trong các chất này trong thời gian gần đây. Những phát hiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra một thế hệ vật liệu và thiết bị điện tử mới trong tương lai, bao gồm cả thiết bị cho máy tính lượng tử.

Tiếp theo là phần trình bày về Nobel Kinh tế 2016 của tiến sĩ Đoàn Thị Thanh Hà (nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Ngân hàng phát triển châu Á) và thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ánh (tiến sĩ năm nhất Đại học quốc lập Yokohama). Giải thưởng danh giá Nobel dành cho kinh tế 2016 được trao cho hai nhà kinh tế học Oliver Hart (Đại học Harvard) và Bengt Holmstrom (Đại học MIT) cho những đóng góp của hai ông về lý thuyết hợp đồng. Vấn đề lớn nhất khi thiết kế hợp đồng là: bên thuê (trong nhiều trường hợp) không thể kiểm soát hết hành vi của bên được thuê. Điều này dẫn đến vấn đề rủi ro đạo đức – người được thuê có thể làm những việc có lợi cho mình nhưng gây bất lợi/giảm lợi ích bên thuê cũng như lợi ích chung. Nghiên cứu độc lập của hai ông từ những năm 1970 đã làm sáng tỏ nhiều lý thuyết trong việc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong các loại hợp đồng cũng như tối ưu hóa lợi ích chung. Dựa trên việc tạo ra các mô hình đánh giá lợi ích chủ thể, lý thuyết thảo luận các vấn đề quan trọng cần xem xét khi thiết kế hợp đồng như cách trả lương, làm việc nhóm, chế tài trong trường hợp các điều khoản hợp đồng không được tuân thủ, tạo tiền đề cho các nghiên cứu thực tiễn.

TS. Đoàn Thị Thanh Hà
TS. Đoàn Thị Thanh Hà

Mở đầu bài phát biểu, chị Ngyễn Thị Ngọc Ánh trình bày về các nghiên cứu xung quanh hợp đồng tối ưu, hợp đồng khi mọi quy định được có thể làm rõ để mang lại động lực làm việc tối đa cho hai bên. Hợp đồng tối ưu liên quan mật thiết đến hợp đồng lao động, giúp giải quyết vấn đề “làm thế nào để tăng động lực làm việc cho người lao động”. Việc nắm bắt các lý luận này sẽ giúp ích cho cả doanh nghiệp lẫn người làm việc trong việc tối ưu hóa lợi ích của họ khi kí kết hợp đồng. Trong khi đó, chị Đoàn Thị Thanh Hà trình bày về hợp đồng không đầy đủ, một mảng nghiên cứu mới, quan trọng trong lý thuyết hợp đồng. Hợp đồng không đầy đủ đưa ra các gợi ý liên quan đến quyền sở hữu tài sản, ký kết hợp đồng tài chính giữa chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư, việc tư hữu hóa các dịch vụ công, hoạt động mua lại và sáp nhập.

NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
NCS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh

Buổi hội thảo kết thúc bằng bài nói về Nobel Y Sinh 2016 của thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyền (tiến sĩ năm nhất đại học Tsukuba) về hiện tượng Autophagy (chế độ tự dưỡng). Thuật ngữ autophagy ra đời vào những năm 1960 khi các nhà sinh học quan sát thấy hiện tượng tế bào động vật có khả năng đóng gói và tiêu hóa các thành phần cũng như các bào quan bên trong tế bào chất khi được nuôi trong môi trường thiếu dinh dưỡng. Tuy nhiên do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ nên những nghiên cứu sâu hơn vào sự hình thành, cơ chế điều hòa và chức năng của hiện tượng này bị bõ ngõ.

Đến đầu những năm 1990, giáo sư Yoshinori Ohsumi lần đầu tiên công bố các kết quả nghiên cứu về chế độ tự dưỡng trên đối tượng nấm men của ông trên tạp chí Journal of Cell Biology số 119. Bằng một loạt các thí nghiệm mang tính sáng tạo, bức phá ông đã chứng minh được có sự tồn tại của chế độ tự dưỡng trên tế bào nấm men và đồng thời sàng lọc thành công 15 gen thiết yếu trong tự dưỡng ở nấm men. Với các kết quả nghiên cứu nền tảng này, giáo sư Yoshinori Ohsumi đã vinh dự được nhận giải Nobel lần thứ 106 thuộc lĩnh vực Y học năm 2016.

Trong bài phát biểu, chị Nguyễn Thị Kim Nguyền giải thích tổng quát về hiện tượng autophagy, từ nghiên cứu đầu tiên trên nấm men giúp giáo sư Yoshinori Ohsumi được nhận giải thưởng Nobel Y học 2016 đến những nghiên cứu trên người. Chị cho biết, các nghiên cứu đã chứng minh rằng nhiều quá trình sinh học trong tế bào nấm men được bảo tồn ờ tế bào động vật bâc cao, cụ thể là tế bào người. Do đó, dựa trên các kết quả nghiên cứu về tự dưỡng thực hiện trên nấm men, đến nay các nhà khoa học đã dần hoàn thiện bức tranh chung về chế độ tự dưỡng trên người: từ chức năng, cơ chế điều hòa và các ứng dụng tiềm năng trong y học – nhất là cơ chế và vai trò của tự dưỡng trong bệnh Parkinson, đái tháo đườngloại 2, ung thư …

ThS. Nguyễn Thị Kim Nguyền
ThS. Nguyễn Thị Kim Nguyền

Nội dung các bài phát biểu có thể truy cập ở các file dưới đây, hoặc trên trang thông tin facebook của Rakukai Tokyo, sự kiện Rakukai tháng 11.

 Xem thêm ảnh